Một lá gan người đã mất cứu hai người sống
Chiều 26-8, TS Trần Công Duy Long, trưởng đơn vị ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược vừa chia một lá gan để ghép cho hai người bệnh.
Mảnh ghép gan phát triển và lớn lên cùng cơ thể
Trước đó vào ngày 22-8, bệnh viện này nhận được thông báo từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia về một trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông không thể qua khỏi, được chẩn đoán chết não theo quy trình của hội đồng thẩm định.
Bệnh nhân này khi còn sống đã có nguyện vọng hiến tạng. Gia đình đã tôn trọng, đồng tình với ý nguyện này. Ngay lập tức, bệnh viện đã rà soát, phát hiện có hai người bệnh phù hợp đang chờ ghép gan.
Một là người đàn ông 53 tuổi (ngụ ở TP.HCM) bị ung thư gan và xơ gan nặng do viêm gan B, tìm kiếm cơ hội ghép gan từ lâu nhưng không ai trong gia đình phù hợp do khác nhóm máu và mắc bệnh viêm gan B tiềm ẩn.
Người bệnh thứ hai là bé gái 9 tháng tuổi ở Sóc Trăng, bị xơ gan ứ mật nguyên phát, đã nhiều lần nôn ra máu do biến chứng, đang trong tình trạng nguy kịch.
Nhận định được sự quý giá của lá gan từ người hiến tạng, đội ngũ y bác sĩ đã nghĩ đến giải pháp chia gan để ghép nhằm cứu sống cả hai người bệnh.
Lá gan bao gồm hai phần, phải và trái, với cấu trúc mạch máu và ống mật riêng biệt nhưng kết nối với nhau.
TIN LIÊN QUAN
Mặc dù khá phức tạp, nhưng với sự tính toán và phẫu thuật khéo léo, các bác sĩ có thể tách gan thành hai mảnh ghép riêng biệt. Mảnh lớn hơn sẽ dành cho người bệnh nam lớn tuổi và mảnh nhỏ hơn dành cho bé gái nặng 7,2 kg.
Khoa học đã chứng minh rằng các mảnh ghép này sẽ phát triển và lớn lên cùng cơ thể người nhận, giúp cả hai bệnh nhân có một cuộc sống mới.
Sau khi có kế hoạch phẫu thuật từ phía bệnh viện, hai người bệnh lập tức được báo tin, khẩn trương đến bệnh viện để chuẩn bị.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau lễ mặc niệm tri ân, ca phẫu thuật lấy tạng được tiến hành. Lá gan được các bác sĩ tách đôi trên mâm phẫu thuật. Mục tiêu của các bác sĩ là phải đảm bảo các mạch máu, ống mật của hai mảnh ghép phải thật tốt, phù hợp với người nhận tạng để việc ghép sau đó diễn ra thuận lợi.
Cùng lúc, các ê kíp khác tiến hành phẫu thuật cắt bỏ gan bệnh ở hai người bệnh. Sau đó, quá trình ghép tạng được thực hiện một cách đồng bộ và chính xác.
Khi mảnh gan ghép được tái tưới máu, gan nhanh chóng hồi phục chức năng và bắt đầu tiết ra những giọt mật đầu tiên - biểu hiện của sự sống trở lại trong cơ thể hai người bệnh.
Hiện cả hai người bệnh đều tỉnh táo, dần hồi phục và bắt đầu một cuộc sống mới với một phần gan của người hiến tạng.
Mỗi tháng 2.000 người đến khám viêm gan siêu vi B
Theo BS Trần Công Duy Long, Việt Nam có rất nhiều bệnh nhân viêm gan B và viêm gan C, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 2.000 trường hợp đến khám viêm gan B.
Riêng đối với trường hơp ung thư gan mắc mới, một tuần bệnh viện tiếp nhận 80 - 100 trường hợp, như vâỵ một tháng khoảng 400 trường hợp. Tất cả những trường hợp được chẩn đoán u gan, xơ gan mạn tính giai đoạn cuối được đưa vào danh sách chờ ghép quốc gia.
Theo bác sĩ Long, viêm gan B thường không có triệu chứng để phòng chống viêm gan B cần chích ngừa đầy đủ, tầm soát viêm gan trong quá trình thăm khám sức khỏe, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị khi phát hiện.
Ông Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết gan siêu vi B đã và đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Việt Nam nằm trong vùng có tỉ lệ nhiễm siêu vi viêm gan B cao (9,2% dân số). Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các hậu quả nặng nề: viêm gan bùng phát, xơ gan, ung thư gan.
Đáng nói 70 - 80% viêm gan siêu vị B không có triệu chứng, chỉ phát hiện khi bệnh đã nặng.
Số lần xem: 39